Gặp Quỳnh  ở Bonjour Vietnam

VHO- Tại Copenhagen - Đan Mạch, công việc của Trúc Quỳnh Trần Choleva là soạn thực đơn cho nhà hàng Bonjour Vietnam và soạn sách, thiết kế giáo trình cùng các chuyên gia ngôn ngữ dạy trẻ em đang gặp khó khăn về giao tiếp. Chưa hết, ngày thường của Quỳnh còn xảy ra nhiều tình huống đặc biệt khác.

Gặp Quỳnh  ở Bonjour Vietnam - Anh 1

Nhà hàng Bonjour Vietnam tọa lạc ở trung tâm Copenhagen

Tình huống của Quỳnh

Những ai quen biết Quỳnh Choleva chắc chắn ít nhiều đều bị “dính mắc” vào một nguồn năng lượng đang chuyển động với tốc độ khó tin trong người phụ nữ này. Không tin hãy cùng tôi trải qua một vài trong muôn vàn tình huống ngày thường của Quỳnh: “Chiều qua, cảnh sát gọi điện nhờ đến phiên dịch gấp một trường hợp ở trại tị nạn. Suy nghĩ 5 phút, mình đành bảo không đi được. Vì đã hứa ở nhà dạy con trai học. Với trường hợp phiên dịch gấp thế này, được trả lương gấp ba chưa kể phụ cấp. Áy náy là họ cần gấp mà mình từ chối”. Ban ngày con đi học, buổi tối mẹ đi làm nên Quỳnh phải tranh thủ từng phút cho con, bên con. Nói đúng hơn, bận đến mấy Quỳnh cũng không muốn cắt xén thời gian đọc sách và dạy con học. Trong phòng bé Jonas 6 tuổi có khoảng 3.000 cuốn sách do mẹ Quỳnh sắm.

Quỳnh hay nhận được những cuộc gọi gấp như thế bởi sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ quản trị kinh doanh, cô học tiếp ngành Phiên dịch tại Đan Mạch và cộng tác với nhiều cơ quan khác nhau như tòa án, an ninh, bệnh viện, trường học... Quỳnh còn làm phiên dịch cho Dansk Flygtningehjælp, tổ chức phi chính phủ lớn nhất của Đan Mạch chuyên giúp đỡ người tị nạn.

Còn đây, tình huống khác: “Lúc mới nhận việc, nhà trường giao hỗ trợ một cô gái nghiện ma túy tái hòa nhập xã hội, mình khá choáng. Càng tìm hiểu kỹ càng hiểu ra và có phần cảm thông với họ. Không phải ai cũng muốn cuộc đời như vậy. Công việc của mình sau này sẽ là cố vấn cho những bước chân lầm lạc”. Cố vấn là chuyên ngành mới Quỳnh đang theo đuổi: Làm việc với thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng nghiện hút, người bị trầm cảm, loạn thần hoặc người nước ngoài gặp khó khăn trong quá trình hòa nhập xã hội, tìm việc. Một nghề nhọc nhằn nhưng đầy nhân văn.

Xem Quỳnh vừa gặp ai, sẽ biết cô sắp có dự án gì mới “Sáng nay làm việc với chuyên gia về Can thiệp hành vi ABA thuộc đại học Oslo của Na Uy. Ông khẳng định mình là người làm việc hiệu quả nhất ông từng cộng tác. Lại một núi việc trước mắt. Phải thiết kế bài giảng về uốn nắn hành vi cho trẻ. Vừa được mời làm soạn giả cho dự án cung cấp tài liệu giáo dục của Web Bubble Minds tại Đan Mạch. Một loạt thực đơn trong nhà hàng cần đổi món, riêng thực đơn tráng miệng 10 món cũng phải sớm xong. Hôm nay, chỉ lượng khách đặt bàn trực tiếp đã 100 người rồi. Nhà hàng đông khách quá, cần lắp mấy miếng chống ồn lên trần nhà, nhưng phải nghĩ trang trí sao cho đẹp mắt đây?”

Biết gọi nghề chính của Quỳnh là gì? “Thôi, cứ gọi Quỳnh là bồi bàn đi”.

Gặp Quỳnh  ở Bonjour Vietnam - Anh 2

Quỳnh đang đọc sách cùng con trai

Thực đơn của Quỳnh

Quỳnh tự gọi mình là bồi bàn, tôi nghĩ cũng không sai. Thực tế, để gây dựng được một nhà hàng Việt đạt đẳng cấp quốc tế ở châu Âu, không ai dám nhận mình là ông/bà chủ ngồi điều hành kiểu “chỉ tay năm ngón.” Lúc mở Bonjour Vietnam, Quỳnh mới bước vào tuổi 24, vừa chân ướt chân ráo sang Đan Mạch, mọi thứ còn quá mới mẻ, bỡ ngỡ.

Chính Quỳnh, khi du lịch châu Âu cũng có cảm giác ngạc nhiên, rồi thấm buồn khi thấy một số nhà hàng bán món Việt lại phải lấy tên món Thái, món Hoa. “Món ăn của chúng ta rất ngon, không có lý do gì phải giấu gốc gác. Tôi luôn tự hào giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với khách và họ luôn lắng nghe với tất cả sự tôn trọng”. Thì đây chính là một trong những lợi thế của Quỳnh. Quỳnh có chồng là người bản xứ gợi cho ý tưởng mở nhà hàng. Chính anh giúp đỡ ngay từ khâu đầu tư và thiết kế không gian chuẩn phong cách châu Âu: Lãng mạn, trang nhã, phù hợp gu khách Bắc Âu là yêu thích sự tối giản và thanh thoát. Quỳnh có mẹ từng làm chủ vài nhà hàng ở Việt Nam bay sang trợ giúp với vai trò bếp trưởng.

Nhưng quan trọng nhất, Quỳnh dựa được vào chính mình. Cô dựa được vào niềm đam mê học và khối lượng kiến thức tích lũy không ngừng “Vào lớp Hai tôi đã viết truyện, lên lớp Ba chính thức gửi bài đăng báo. Xong cấp ba, lượng bài đăng đã khoảng vài trăm. Tôi vừa học đại học ngành Du lịch ở TP.HCM vừa viết báo, làm biên tập viên cho một tờ tạp chí. Nói chung số tiền tôi kiếm được tương đối cao so với các bạn sinh viên thời bấy giờ”. Quỳnh dựa được vào tinh thần lăn xả làm việc. Nắn nót và duy mĩ, cô lên thực đơn riêng dành cho khách đến nhà hát xem vở The Phantom of the Opera - Bóng ma nhà hát. Đọc lên thấy nguyên liệu bếp núc hóa thân vào mỗi món ăn, soạn lên bàn và tự ngân thành một tổ khúc hoàn chỉnh: Khai vị Cơm cá hồi với trái bơ mang tên Symphony of the sea - Bản giao hưởng biển cả, món chính Bún bò Nam Bộ Tones from the South - Giai điệu từ phương Nam, món tráng miệng ngọt Hoành thánh nhân chuối và socola nóng chảy có tên A taste of the sweet music - Hương vị âm nhạc ngọt ngào. Mỗi khi Tòa nhà Quốc hội hay Lâu đài của Nữ hoàng Đan Mạch đặt tiệc, Quỳnh cũng phải tự tay thiết kế thực đơn riêng phục vụ.

Gặp Quỳnh  ở Bonjour Vietnam - Anh 3

Quỳnh Choleva tại nhà hàng Bonjour Vietnam

Lời chào đi trước

Có những nhân viên đã thôi việc ở Bonjour Vietnam để tìm nghề khác mưu sinh, thỉnh thoảng vẫn quay lại chuyện trò, giữ quan hệ thân tình với bà chủ nhà hàng Việt. Bởi họ và Quỳnh vẫn luôn gặp nhau ở quan điểm làm dịch vụ trước tiên phải tươi cười, nhẹ nhàng, lịch sự. Lời chào đi trước/Lời chào dẫn bước (thơ Nguyễn Hoàng Sơn), con đường đến với các giải thưởng của Quỳnh và Bonjour Vietnam đã chạm ngõ Tổ chức World Luxury Restaurant Awards. Hai năm liên tiếp 2017, 2018 Bonjour Vietnam được Tổ chức này trao giải Nhà hàng Việt Nam tốt nhất châu Âu. Cuối 2018, Bonjour Vietnam giành tiếp giải Nhà hàng Việt tốt nhất ở nước ngoài - Most Outstanding Vietnamese Restaurant – Outside of Vietnam, 2018 của tạp chí LUX tại Anh.

Có những khách hàng là thành viên Copenhagen International Club (câu lạc bộ chỉ dành cho các nhân vật quyền lực tại Đan Mạch) đặt tiệc tại Bonjour Vietnam. Một trong số này đã trò chuyện với Quỳnh và mời cô tham gia CLB “Nghĩa là từ nay tôi có cơ hội dự các buổi tiệc, cuộc họp mặt quan trọng của những nhân vật có tiếng nói và tầm ảnh hưởng ở Đan Mạch cũng như quốc tế. Chắc chắn tôi sẽ quảng bá được văn hóa Việt với bạn bè quốc tế sâu rộng hơn nữa”. Nhiều khách sạn, đối tác bắt đầu mời Quỳnh đặt chi nhánh của Bonjour Vietnam tại địa điểm của họ. Quỳnh chưa nhận lời. Hiện tại, cô muốn tập trung kế hoạch hợp tác với các siêu thị để đưa sản phẩm nước chấm, nước tương, dưa góp… mang thương hiệu riêng của nhà hàng vào bán. Tất cả còn phụ thuộc quỹ thời gian Quỳnh để dành ra được.

Tôi vẫn băn khoăn, làm chủ nhà hàng có thực sự là công việc phù hợp lâu dài cho một người đa năng như Quỳnh? “Chị nói đúng, với bằng cấp, kinh nghiệm của mình, tôi hoàn toàn có thể làm việc khác ở Đan Mạch. Đó là tương lai. Còn bây giờ, tôi cảm thấy hài lòng với công việc hàng ngày được nói chuyện tiếng Việt với mẹ và nhân viên, cùng tham gia nấu món, tự lên thực đơn và trực tiếp nói chuyện với khách hàng. Đó là cách tốt để tôi sử dụng kiến thức đã học, chia sẻ niềm tự hào dân tộc đến với bạn bè khắp thế giới thông qua nhà hàng của mình”.

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc